Trường THPT
Đình Lập

Đã đến lúc mở ra giai đoạn mới về nghiên cứu Vật lý hạt nhân

Đã đến lúc mở ra giai đoạn mới về nghiên cứu Vật lý hạt nhân(Dân trí)- “Đã đến lúc kết thúc một giai đoạn để mở ra một giai đoạn mới về nghiên cứu Vật lý hạt nhân” - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã khẳng định như vậy trong buổi gặp gỡ, chúc mừng 2 nhà khoa học Vật lý hạt nhân được vinh danh giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”.

Chiều ngày 22/11, lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đông đảo cán bộ Viện Vật lý đã nồng nhiệt chúc mừng GS Nguyễn Văn Đỗ và GS Trần Đức Thiệp giành giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm 2011 với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”. Đây là công trình duy nhất được trao trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

<br>


Tại buổi chúc mừng hai nhà khoa học đoạt giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, người đã tình cờ phát hiện tài năng khoa học của hai GS và mời về Viện Khoa học và Công nghệ VN làm việc cho biết: “GS Trần Đức Thiệp và GS Nguyễn Văn Đỗ hơn 30 năm qua đã làm việc say sưa, miệt mài và hết sức nỗ lực vượt khó khăn. Những thành tích nghiên cứu của các anh đã khẳng định bởi những công trình mà các số liệu được Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế công nhận và nhập vào kho dữ liệu hạt nhân để sử dụng, những vị trí mà các anh tham gia tại các cơ quan Vật lý hạt nhân châu Á và quốc tế. Điều đó chứng minh rõ rệt tài năng, nghị lực và lòng say mê khoa học tuyệt vời của hai anh”.

GS Hiệu cho hay: “Trong suốt 30 năm qua, ngành Vật lý hạt nhân không được nhà nước quan tâm. Viện Khoa học và Công nghệ VN không nhận được bất kỳ một khoản đầu tư nào của nhà nước cho khoa học và công nghệ hạt nhân cũng như các dự án viện trợ của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Mặc dầu vậy, các lãnh đạo Viện, nhiều năm liền hết sức động viên khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về quan hệ quốc tế cho các nhà khoa học để bù đắp rất nhiều những khó khăn về vật chất. Khi Nhà nước quyết định phát triển điện hạt nhân, nhà nước có giao hay không giao công trình cho Viện Vật lý thì nhà vật lý, nhà khoa học tự gánh lấy trách nhiệm xây dựng ngành Vật lý hạt nhân”.
 
GS Hiệu cũng khẳng định: “Việc vinh danh GS Trần Đức Thiệp và GS Nguyễn Văn Đỗ đánh dấu quá trình nghiên cứu của hai GS. Tôi nghĩ đó là đánh dấu một thời kỳ mới. Hơn 30 năm qua các anh đã bền bỉ nghiên cứu cho đến ngày hôm nay. Máy gia tốc mà các anh nghiên cứu đã quá cũ rồi, tất cả các tiêu chuẩn đã không đạt được nữa, phải tìm con đường khác bởi vì dù giỏi khoa học đến mấy cũng khó có kết quả hay được. Cho nên tôi muốn, đã đến lúc, kết thúc một giai đoạn để mở ra một giai đoạn mới về nghiên cứu Vật lý hạt nhân. Sau tuần này, tôi xin về Viện Vật lý hạt nhân làm việc để bàn và xem chúng ta làm gì trong thời gian tới. Chứ không phải mua máy móc nước ngoài về và mời chuyên gia nước ngoài sang làm. Chúng ta phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Nước ngoài không bao giờ bán cho chúng ta khoa học. Họ bán máy cho chúng ta và dạy chúng ta vận hành máy chứ không dạy khoa học cho chúng ta. Khoa học chúng ta phải tự làm. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải phát triển ngành Vật lý hạt nhân ở trong Viện khoa học và Công nghệ VN. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì Viện Khoa học và công nghệ VN vẫn phải là đỉnh cao của Vật lý hạt nhân. Khó khăn đến mấy cũng phải phát triển Vật lý hạt nhân”.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã chúc mừng và mong muốn GS Trần Đức Thiệp và GS Nguyễn Văn Đỗ tiếp tục nghiên cứu khoa học cống hiến cho đất nước.

Trước đó, trong xét trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” về lĩnh vực khoa học tự nhiên, công trình nghiên cứu của hai GS Trần Đức Thiệp và Nguyễn Văn Đỗ đã nhận được sự thán phục của Ban giám khảo.

GS Đỗ Đăng Giu nhận xét: “Các công trình khoa học của hai anh Đỗ và Thiệp ở trong nước thực sự đã khởi đầu từ đầu thập niên 80. Đặc biệt là việc tận dụng hai máy gia tốc đầu tiên và độc nhất của Việt Nam là máy phát nơtron 14 MeV Na - 3C và máy microtron MT 17 phát quang 17 MeV. Với những thiết bị này, hai anh Đỗ và Thiệp đã làm được nhiều công trình nghiên cứu hạt nhân. Đặc biệt là các công trình của hai anh Đỗ và Thiệp trong việc dùng các tia nơtron và gamma cho ứng dụng như việc phân tích hàm lượng protein trong ngũ cốc, phân tích nguyên tố trong các đối tượng địa chất. Đó là những kết quả có tính cách ứng dụng phục vụ sản xuất thiết thực, rất có giá trị. Trong thời gian gần đây, hai anh đã gây được nhiều liên hệ cộng tác với những đồng nghiệp nước ngoài, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai anh đã được sử dụng những máy gia tốc có năng lượng cao để nghiên cứu một số những vấn đề hiện đại và thời sự như những phản ứng hạt nhân sinh nhiều hạt. Hai anh là nhà vật lý thực nghiệm hàng đầu của nước ta, với nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các máy móc và các đồng vị phóng xạ, căn bản cho chương trình điện hạt nhân quốc gia. Thiết tưởng những lãnh đạo hiện hữu của năng lượng hạt nhân, nếu gặp khó khăn, chỉ cần quay về tìm hai anh để có được sự hỗ trợ trong việc đào tạo những cán bộ tương lai”.

GS Lê Hồng Khiêm - Phó Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Khoa học và Công nghệ VN cho biết: “Hướng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, các công bố của hai GS Thiệp và Đỗ chủ yếu tập trung vào kỹ thuật phân tích kích hoạt sử dụng cả chùm notron lẫn bức xạ hãm. Tuy phân tích kích hoạt đã được triển khai rất mạnh trên thế giới nhưng tại VN, các nghiên cứu của hai GS cùng các đồng nghiệp tại Viện Vật lý là những nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này”.

Hồng Hạnh


Các tin khác